TTO – Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk hiện nay nhỏ, hẹp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai

Theo đề xuất của bộ, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có quy mô là 4 làn xe, dài khoảng 117,5km (qua Khánh Hòa khoảng 32,7km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km).

Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị:

Đoạn km0 đến km7+700 (nút giao cao tốc Bắc – Nam phía Đông): quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m.

Đoạn km7+700 đến km117+500 (cuối tuyến): quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m. Các hầm, cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao đầu tư theo quy mô hoàn thiện; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện.

Toàn tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm gồm: hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100m, hầm Ea Trang dài khoảng 700m và hầm Chư Te dài khoảng 700m.

Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe, bề rộng nền đường 17m) khoảng 21.935 tỉ đồng.

Tiến độ triển khai dự án được đề xuất: chuẩn bị dự án 2021 – 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

QT Land theo nguồn Tuổi Trẻ